Đỉnh cao sức mạnh đoàn kết làm nên chiến thắng vĩ đại
Đặc điểm cơ bản của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước đó là: một Đảng, một dân tộc, một đất nước, một quân đội tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng ở hai miền đất nước.
Do đó, công tác tổ chức đã được triển khai với quy mô rộng lớn chưa từng có trong lịch sử chiến tranh ở nước ta nhưng trên tất cả, đó chính là tổ chức lực lượng cả nước đánh giặc, lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều, càng đánh càng mạnh để phát huy sức mạnh tổng hợp, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong kháng chiến.
.jpg)
Trưa ngày 30-4-1975, những người lính xe tăng đã chiếm lĩnh hoàn toàn Dinh Độc Lập (Ảnh tư liệu)
Trong kháng chiến chống Mỹ, Đảng ta vừa là bộ tham mưu, lãnh đạo toàn dân, toàn quân tiến hành kháng chiến, vừa là lực lượng đấu tranh trực tiếp với kẻ thù. Đảng ta, nhận rõ sứ mệnh, trọng trách của mình trước Nhân dân, trước dân tộc đã ra sức xây dựng vững mạnh về tư tưởng, chính trị, tổ chức, đáp ứng yêu cầu, đủ sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo trong cuộc đụng đầu lịch sử với đế quốc Mỹ. Xây dựng và phát triển đội ngũ đảng viên phát triển về cả số lượng và chất lượng. Đó là những con người đã tự nguyện hi sinh, chiến đấu cho Tổ quốc, tính giai cấp, tính tiên phong, tính tích cực sáng tạo của đảng viên được rèn luyện, khảo nghiệm và phát triển trên chiến trường, đồng ruộng, nhà máy, cơ quan dưới bom đạn, đó là chủ trương xây dựng cán bộ “bốn tốt” ở miền Bắc, “nâng cao chất lượng đảng viên” ở miền Nam, phát triển đảng viên “lớp Hồ Chí Minh”. Chính đội ngũ đảng viên đã gắn chặt Đảng với dân bằng tư tưởng tiên tiến và hành động tiên phong gương mẫu. Do đó, Đảng đã đoàn kết toàn dân, lãnh đạo toàn dân đánh giặc.
Thứ nhất, Xây dựng khối đại đoàn kết, xây dựng khối liên minh công - nông làm nền tảng cho Mặt trận dân tộc thống nhất.
Mặt trận dân tộc thống nhất trong kháng chiến chống Mỹ tồn tại với những mục tiêu, thành phần, phương thức hoạt động cụ thể khác nhau ở hai miền nhưng đều được xây dựng, phát triển trên cơ sở chính trị - xã hội mới. Chính khối đại đoàn kết toàn dân này là cơ sở rộng rãi và vững chắc để tổ chức lực lượng cả nước đánh giặc. Ở miền Bắc với 17 triệu dân đoàn kết trong mặt trận để vừa xây dựng, bảo vệ miền Bắc, vừa chi viện cho tiền tuyến miền Nam. Khối liên minh công - nông với trên 90% nông dân vào hợp tác xã, khi giai cấp công nhân đã tạo ra đại bộ phận tổng giá trị sản lượng công nghiệp toàn miền Bắc. Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam (1960) chủ trường tập hợp, đoàn kết tất cả các tầng lớp nhân dân, các giai cấp, dân tộc, đảng phái, đoàn thể, tôn giáo, thân sĩ yêu nước, không phân biệt xu hướng chính trị để đấu tranh chống Mỹ và tay sai. Mặt trận dựa chắc vào khối liên minh công - nông, phát triển lực lượng ngày càng sâu rộng trong quần chúng cả thành thị và nông thôn, đồng bằng và rừng núi.
Thứ hai, Xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc
Với những tên gọi, quy mô tổ chức khác nhau ở cả hai miền nhưng về cơ bản, lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam thống nhất, là một quân đội nhân dân Việt Nam do Đảng lãnh đạo, theo nguyên lý quân đội kiểu mới của Đảng, đáp ứng yêu cầu của cuộc xâm lược kiểu mới của Mỹ ở miền Nam và chiến tranh nhân dân chống chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Mỹ ở miền Bắc.
Ở miền Nam, từ lực lượng cách mạng, lực lượng chính trị của quần chúng; lượng vũ trang nhân dân phát triển thành ba thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, lực lượng du kích trong “Chiến tranh đặc biệt”; Lực lượng tại chỗ và lực lượng cơ động trên từng chiến trường và trên toàn Miền trong “Chiến tranh cục bộ”; nhiều sư đoàn chủ lực, bộ đội hợp thành được đưa từ miền Bắc vào chiến đấu trên các hướng chiến lược trọng yếu.
Ở miền Bắc, việc xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân ở miền Bắc gồm bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ đáp ứng ba nhiệm vụ đó là bảo vệ miền Bắc, chống chiến tranh phá hoại và đề phòng đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh; xây dựng lực lượng vũ trang và đưa lực lượng đó vào miền Nam chiến đấu theo sự phát triển của chiến tranh, thực hiện nghĩa vụ quốc tế với Lào, Campuchia. Cùng với đó, các lực lượng chiến đấu đặc biệt như tình báo, quân báo, biệt động, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến...được xây dựng, phát triển ở cả hai miền, tiêu biểu cho sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang.
Thứ ba, Xây dựng lực lượng đấu tranh chính trị của quần chúng.
Đấu tranh chính trị là một trong hai hình thức đấu tranh cơ bản của cách mạng giải phóng miền Nam, đó là lực lượng đấu tranh chính trị của quần chúng, từ các cuộc đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Giơnevơ đến lực lượng chính trị trong phong trào Đồng Khởi, tính chất dân tộc, dân chủ nhân dân của cách mạng miền Nam đặt cơ sở chính trị - xã hội cho việc xây dựng, phát triển lực lượng chính trị với những hình thức đấu tranh phong phú ở miền Nam. Đó là tổ chức quân đội chính trị, sử dụng bạo lực chính trị trực tiếp đánh địch trên các chiến trường, tổ chức đội quân chính trị phụ thuộc vào mục tiêu và không gian đấu tranh để huy động lực lượng. Trong đó, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam là lực lượng chính trị rộng lớn nhất. Có thể nói, xây dựng, phát triển lực lượng chính trị hợp thành lực lượng toàn dân đánh giặc chính là sự sáng tạo và bước phát rtiener cao của chiến tranh nhân dân toàn dân và toàn diện.
Thứ tư, bố trí và phân chia chiến trường trong kháng chiến
Đó chính là sự bố trí, triển khai lực lượng vũ trang và lực lượng chính trị, hình thành thế trận chiến tranh nhân dân, tiến hành đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị vừa có sự phối hợp với các chiến trường trọng điểm trong kháng chiến. Đó là chiến trường toàn Đông Dương, gồm chiến trường miền Nam Việt Nam, miền Bắc Việt Nam, chiến trường Lào và chiến trường Campuchia, trong đó chiến trường miền Nam Việt Nam là chiến trường chính, tác động quyết định đến các chiến trường khác. Đó là Đường 559 - Đường Hồ Chí Minh là chiến trường đặc biệt, là nhân tố quyết định để đưa sức mạnh cả nước vào cuộc chiến chống Mỹ; Đó là chiến trường Đông Nam Bộ, chiến trường số 9 - bắc Quảng Trị là nơi đọ sức giữa hai chế độ xã hội, hai quân đội; Đó là đồng bằng Sông Cửu Long và đồng bằng Khu 5 là chiến trường phát triển mạnh mẽ chiến tranh du kích, tiến công quân sự kết hợp với nổi dậy của quần chúng; Đó là chiến trường đánh tiêu diệt lớn của bộ đội chủ lực từ Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, đường số 9-bắc Quảng Trị đến các đô thị lớn như Buôn Ma Thuột, Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn; Đó là chiến trường miền Bắc là nơi diễn ra cuộc chiến đấu với tư cách là bảo vệ căn cưa địa cách mạng, bảo vệ hậu phương lớn, đồng thời chống chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Mỹ. Trong đấu tranh, các chiến trường đã phát huy đầy đủ vai trò của mình,phối hợp chặt chẽ với các chiến trường khác tạo nên thế trận chiến tranh nhân dân, tạo thế chủ động đánh địch trên cả nước.
Đường lối và nghệ thuật tổ chức của Đảng đã tạo nên lực lượng cả nước đánh giặc lớn nhất trong lịch sử dân tộc ta theo phương châm đánh địch bằng “hai chân” (lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang), “ba mũi” (đấu tranh chính trị, đấu tranh quân sự và đấu tranh binh vận), “ba vùng chiến lược” (nông thôn đồng bằng, miền núi, đô thị), kết hợp giữa đấu tranh quân sự với mở mặt trận ngoại giao vào thời điểm phù hợp. Dựa trên đường lối độc lập, tự chủ, sáng tạo do Đảng và Bác Hồ lãnh đạo; của khối đại đoàn kết toàn dân tộc với khả năng huy động sức người, sức của ở mức cao nhất phục vụ cho đấu tranh cách mạng; sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, ý chí, tinh thần quyết chiến và quyết thắng vì độc lập, tự do của dân tộc, vì lương tâm và phẩm giá con người.
Giai đoạn hiện nay, để phát huy sức mạnh tổng hợp trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng, Nhà nước ta xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt và phát triển văn hoá là nền tảng tinh thần, trên cơ sở phát huy sức mạnh của liên minh giữa công nhân, nông dân, trí thức và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Cẩm Trang