1. Ban hành quy định mới về luân chuyển cán bộ. Bộ Chính trị ban hành Quy định 65-QĐ/TW ngày 28/4/2022 về luân chuyển cán bộ, trong đó, thay đổi phạm vi luân chuyển cán bộ. Theo đó, một số nội dung cơ bản Quy định về quan điểm, nguyên tắc luân chuyển cán bộ như sau:
Công tác luân chuyển cán bộ là một nội dung trong công tác cán bộ đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là các cấp uỷ, tổ chức đảng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, nêu cao trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu.
- Không tăng thêm chức danh để luân chuyển cán bộ. Trường hợp đặc biệt do Bộ Chính trị quyết định.
- Giải quyết hài hoà giữa luân chuyển cán bộ để đào tạo với bố trí, sử dụng nguồn cán bộ tại chỗ; vừa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trước mắt, vừa đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ lâu dài.
(Bỏ quy định “Không điều động về Trung ương, về địa phương hoặc sang địa phương khác những cán bộ bị kỷ luật, năng lực yếu, uy tín giảm sút, không có triển vọng phát triển”).
- Bảo đảm tổng thể, đồng bộ, liên thông giữa các cấp, cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị; gắn kết chặt chẽ giữa luân chuyển với quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và các nội dung khác trong công tác cán bộ. Cán bộ luân chuyển phải trong quy hoạch, có phẩm chất, năng lực và triển vọng phát triển.
- Có cơ chế quản lý, giám sát, đánh giá cán bộ luân chuyển và chính sách, chế độ phù hợp tạo điều kiện cho cán bộ luân chuyển hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Quy định 65-QĐ/TW có hiệu lực từ ngày 28/4/2022 và thay thế Quy định 98-QĐ/TW ngày 07/10/2017.
2. Chính phủ ban hành Nghị định 29/2022/NĐ-CP hướng dẫn Nghị quyết 12/2021/UBTVQH15 về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 (có hiệu lực từ ngày 29/4/2022). Theo đó, người tham gia phòng, chống dịch COVID-19 không hưởng lương từ ngân sách nhà nước ngoài các chế độ theo quy định còn được ngân sách Nhà nước hỗ trợ một lần với mức như sau:
- Mức 1.855.000 đồng/người: Đối với người tham gia phòng, chống dịch COVID-19 từ 15 ngày liên tục trở lên đến dưới 30 ngày
- Mức 3.710.000 đồng/người: Đối với người tham gia phòng, chống dịch COVID-19 từ 30 ngày liên tục trở lên
Bên cạnh đó, trường hợp người tham gia chống dịch đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước, từ nguồn thu của cơ sở y tế công lập phải cách ly y tế sau thời gian làm việc tại cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 thì:
Được hưởng nguyên lương tiền lương, tiền công, phụ cấp lương và các khoản đóng góp theo quy định của pháp luật.
Trong đó, quy định việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh các bệnh khác trong quá trình điều trị COVID-19, cụ thể như sau:
- Quỹ BHYT thanh toán phần chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo phạm vi được hưởng và mức hưởng BHYT như trường hợp đi khám bệnh, chữa bệnh đúng tuyến. Người bệnh COVID-19 có thẻ BHYT tự chi trả chi phí cùng chi trả và các chi phí ngoài phạm vi được hưởng (nếu có) theo quy định của pháp luật về BHYT;
- Trường hợp cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 không bóc tách được chi phí khám bệnh, chữa bệnh COVID-19 và các bệnh khác để thanh toán theo các nguồn hoặc không thu được các khoản chi phí phát sinh trong quá trình điều trị mà người bệnh phải trả theo quy định do một trong các nguyên nhân bất khả kháng quy định tại khoản 5 Điều 7 Nghị định 29/2022/NĐ-CP, bao gồm:
+ Người bệnh tử vong trong quá trình điều trị nhưng cơ sở y tế không liên hệ được với thân nhân, người nhà người bệnh;
+ Người bệnh không có thân nhân, người nhà và không đem theo giấy tờ tùy thân khi vào điều trị tại cơ sở y tế;
+ Người bệnh, thân nhân, người nhà người bệnh không mang đủ tiền để chi trả chi phí điều trị.
Được ngân sách nhà nước chi trả theo số lượng dịch vụ y tế thực tế sử dụng và mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT. Các chế độ hỗ trợ như trên được áp dụng thực hiện tính từ ngày 01/01/2021.
3. Lĩnh vực giao thông, ngày 06/4/2022, Bộ Công an vừa ban hành Thông tư 15/2022/TT-BCA sửa đổi Thông tư 58/2020/TT-BCA quy định quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Theo đó, sửa đổi quy định về cơ quan đăng ký xe tại khoản 6 Điều 3 Thông tư 58/2020/TT-BCA như sau:
Công an xã, phường, thị trấn đăng ký, cấp biển số xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, doanh nghiệp quân đội, cá nhân trong nước có trụ sở hoặc nơi thường trú tại địa phương mình và cơ quan, tổ chức, cá nhân người nước ngoài, của dự án, tổ chức kinh tế liên doanh với nước ngoài tại địa phương mình;
Tổ chức thu hồi giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe hết niên hạn sử dụng, xe hỏng không sử dụng được của cơ quan, tổ chức, cá nhân có trụ sở hoặc nơi thường trú tại địa phương.
Điều kiện, thẩm quyền đăng ký, cấp biển số xe của Công an cấp xã thực hiện theo quy định tại khoản 6 Điều 26 Thông tư 58/2020/TT-BCA.
Cụ thể, trong ba năm liền kề gần nhất, địa phương có số lượng đăng ký mới từ 250 xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) trở lên trong một năm, thì công an xã sẽ được thực hiện đăng ký và cấp biển số xe gắn máy.
Kim Khánh