Tìm hiểu những quan điểm chung về kỹ năng quản lý - lãnh đạo trong thực tiễn hiện nay
Đứng dưới góc độ quyền lực hành chính, lãnh đạo có thể được hiểu là việc “Chủ thể lãnh đạo sử dụng quyền lực lãnh đạo, tác động đến đối tượng lãnh đạo nhằm đạt được ý chí, mục tiêu của chủ thể lãnh đạo” theo quan điểm này thì lãnh đạo được hiểu là một con người cụ thể tác động lên một đối tượng cụ thể cũng là con người bằng một lực tác động là “Quyền uy”, buộc người khác phải làm theo.
Quan điểm, phương thức lãnh đạo này có ưu điểm lớn đó là phát huy được khả năng, năng lực, tính quyết đoán của người lãnh đạo, người lãnh đạo sẽ thành công khi người có quyền uy thật sự, quyền uy đó tác động và quyết định trực tiếp đến sự “còn” hay “mất”; “sinh” hay “tử” của đối tượng lãnh đạo thì mục tiêu lãnh đạo đạt cao. Tuy nhiên, lãnh đạo theo phương thức này thiếu bền vững vì xét đến cùng, phần lớn quyền uy không bao giờ tồn tại mãi mãi theo sự phát triển của xã hội, sự tác động của xã hội đến người lãnh đạo, khi quyền uy không còn nữa, trong một góc độ nào đó, người lãnh đạo sẽ thấy hụt hẫn, thiếu thốn, cô đơn và không còn nhận ra đâu là đối tượng lãnh đạo của mình và như vậy, sự lãnh đạo này sẽ đi vào sự kém hiệu quả, bế tắc.
Cũng có quan điểm khác cho rằng, lãnh đạo là hành động xây dựng kế hoạch, bằng kế hoạch, trên cơ sở kế hoạch, tập hợp mọi người thành tập thể, phổ biến, hướng dẫn, thuyết phục mọi người cùng làm theo mình để đạt được kế hoạch đã đưa ra, theo quan điểm này thì lãnh đạo dựa trên một tập thể, được tập thể ủng hộ, cùng làm. Đây là quan điểm, phương thức mới hơn, ít sử dụng quyền lực hành chính hơn, mục tiêu lãnh đạo được tập thể suy tôn và cùng hưởng ứng thực hiện. Tuy nhiên, quan điểm, phương thức này lệ thuộc vào tập thể, thiếu vắng vai trò quyết đoán của người lãnh đạo, lãnh đạo theo một nội dung đã được định sẵn và như vậy, quan điểm và phương thức lãnh đạo này đã bị đồng hóa hoặc hiểu nhầm giữa “lãnh đạo một việc gì đó” với việc “chỉ đạo một tập thể làm một việc gì đó” hay nói cách khác là “lãnh đạo” và “chỉ đạo” là hai vấn đề có những bản chất, đặc điểm riêng khác nhau lại được hiểu giống nhau… và còn nhiều quan điểm và phương thức lãnh đạo khác nhau nhưng chung quy lại cũng là sử dụng quyền lực lãnh đạo, xem xét dưới góc độ người lãnh đạo, tác động của chủ thể lãnh đạo đến đối tượng lãnh đạo.
Một quan điểm về lãnh đạo được nhiều nhà khoa học đưa ra đó là “Lãnh đạo là “Sự ảnh hưởng” của người lãnh đạo đến người khác, làm cho người khác đi theo mình, làm theo mình; lãnh đạo là “Tạo ra sự ảnh hưởng”; lãnh đạo là “Tạo ra cái mới” hay lãnh đạo là “Tạo ra sự phát triển”. Đây được xem là những quan điểm mới, nó khác với quan điểm lãnh đạo được hiểu theo truyền thống, quan điểm này lấy thước đo sự hài lòng của đối tượng lãnh đạo làm hiệu quả của chủ thể lãnh đạo; quan điểm này dựa trên sự tự nguyện, tự giác, sự phục tùng “tâm phục khẩu phục”; sự “dâng hiến”, sự thỏa mãn nhu cầu,… của đối tượng lãnh đạo đối với chủ thể lãnh đạo; quan điểm lãnh đạo này tạo ra sự bình đẳng, thân thiện, chân thành, mục tiêu lãnh đạo được đặt trong lợi ích chung, phát triển chung. Tuy nhiên, Như thế nào là Sự ảnh hưởng?; làm thế nào để Tạo ra sự ảnh hưởng?; Như thế nào là Cái mới? làm thế nào để Tạo ra cái mới? Như thế nào là Phát triển?; làm thế nào để Tạo ra sự phát triển?; Như thế nào là lợi ích và chia sẽ lợi ích?,… Và như vậy, nếu người lãnh đạo trả lời xuyên suốt những nội dung này, làm được tất cả những vấn đề này thì tin rằng, việc lãnh đạo đó hay quan điểm và phương thức đó sẽ đem lại cái gọi là: “sự hài lòng; sự tự nguyện, tự giác, sự phục tùng, sự “dâng hiến”, sự thỏa mãn nhu cầu, sự bình đẳng, thân thiện, chân thành, mục tiêu lãnh đạo được đặt trong lợi ích chung, phát triển chung”.
* Tạo sự ảnh hưởng trong lãnh đạo, quản lý
Ảnh hưởng được xem là một quá trình tác động tới suy nghĩ, hành vi và cảm giác của đối tượng. Như vậy, cái cách mà người lãnh đạo tạo được sự ảnh hưởng, phát triển sự ảnh hưởng cần phải hội đủ nhiều yếu tố, thời gian, để xây dựng được sự ảnh hưởng, người lãnh đạo phải có một quyền lực nhất định, quyền lực này có thể xuất phát từ một tổ chức chính thống trao cho, được xã hội ghi nhận và được quy định bằng những chính sách, luật định, điều lệ,…của một chế độ xã hội cụ thể; nhưng cũng có thể quyền lực được tạo ra từ đối tượng lãnh đạo thể hiện sự tôn vinh, kính trọng, ủng hộ. Muốn được như vậy, người lãnh đạo cần có năng lực thật sự; có tầm nhìn chiến lược; có kỹ năng nắm bắt, thu thập thông tin, tổng hợp, phân tích thông tin, dự đoán, dự báo để từ đó xác định được mục tiêu lãnh đạo; phải luôn luôn đặt mục tiêu lãnh đạo trong xu hướng phát triển của xã hội, xem đó là một tất yếu khác quan; phải có miền tin và chuyển tải cho được niềm tin đó đến đối tượng lãnh đạo; phải truyền cho được niềm cảm hứng đó đến đối tượng lãnh đạo; xây dựng mục tiêu lãnh đạo trên nền của lợi ích chung trong sự phát triển của xã hội, triệt tiêu những vấn đề không còn phù hợp, những yếu tố kiềm hảm sự phát triển, những sự lạc hậu, những suy nghĩ bảo thủ, hủ hóa; “Dĩ hòa vi quí” bằng lòng một cách tiêu cực, thiếu sự đấu tranh;…Phải tiến tới sự đổi mới, cải tiến tốt hơn, lợi ích và hiệu quả mang lại cao hơn, thỏa mãn hơn trên nền tảng của sự sáng tạo, sự quyết đoán, sự nhiệt tình của người lãnh đạo.
Tóm lại, để tạo ra sự ảnh hưởng trong lãnh đạo, người lãnh phải có trình độ, được mọi người tôn vinh, tâm huyết với công việc, quyết đoán, có tầm nhìn, v.v... phải tạo ra được cái mới; tạo ra được sự phát triển, tạo ra được lợi ích, cùng chia sẽ lợi ích v.v…, tập hợp những vấn đề đó để từng bước hoàn thiện kỹ năng của người lãnh đạo.
* Tạo lập kỹ năng và sử dụng kỹ năng trong lãnh đạo, quản lý
Đối với bản thân chủ thể lãnh đạo, người lãnh đạo trước hết phải sử dụng năng lực chuyên môn, chủ động, làm chủ đối với nhiệm vụ lãnh đạo, năng lực chuyên môn phải được mọi người công nhận, suy tôn bằng những hành động, việc làm cụ thể; vận dụng khả năng nhìn nhận và phát hiện vấn đề, xây dựng phương hướng, mục tiêu; nắm bắt, thu thập thông tin, tổng hợp, phân tích thông tin, dự đoán, dự báo để từ đó xác định được mục tiêu lãnh đạo; triển khai thực hiện mục tiêu lãnh đạo dưới góc độ của sự phát triển, sự tiến bộ, sự đổi mới để có hiệu quả tốt hơn, vì mục tiêu cao cả hơn, lợi ích hơn, triệt tiêu những vấn đề không phù hợp, những yếu tố kiềm hảm sự phát triển; có bản lĩnh, quyết đoán, có miền tin và theo đuổi đến cùng với mục đích, miền tin đó; có khả năng chịu được áp lực trong thực hiện nhiệm vụ.
Đối với đối tượng được lãnh đạo, người lãnh đạo phải sử dụng khả năng truyền cảm hứng và thu hút mọi người vào mục đích chung, cùng tham gia thực hiện nhiệm vụ một cách tự giác, có trách nhiệm; quan tâm, chia sẽ những tâm tư, nguyện vọng, mong ước của mọi người; xây dựng niềm tin vững chắc trong mọi người; vừa thể hiện sự quan tâm, khoan dung, độ lượng, lòng vị tha nhưng vừa cương quyết, cứng rắn, thẳng thắng, rõ ràng, không mềm yếu đối với cấp dưới; vừa thể hiện tôn kính, tuân thủ nhưng có chính kiến rõ ràng, không sê xoa, máy móc đối với cấp trên; thực hiện sự lãnh đạo có nguyên tắc, có khoảng cách, lấy động viên, khuyến khích làm phương châm lãnh đạo đi đôi với tổ chức, hướng dẫn, đôn đốc, theo dõi, kiểm tra kiểm soát làm phương pháp lãnh đạo và kịp thời đánh giá, khen thưởng, kỹ luật công bằng, công minh làm thước đo cho việc xác định hiệu quả, chia sẽ lợi ích đạt được từ mục tiêu lãnh đạo.
Tóm lại: Lãnh đạo là tổng hòa giữa hoạt động có khoa học và hoạt động có nghệ thuật. Khoa học là việc vận dụng, biến kho tàng tri thức của nhân loại trở thành tri thức, năng lực của bản thân từ đó sử dụng các phẩm chất, kỹ năng lãnh đạo để đạt tới các mục tiêu lãnh đạo; nghệ thuật là việc sử dụng những phẩm chất, năng lực, kỹ năng lãnh đạo tác động vào đối tượng lãnh đạo một cách mềm dẻo, linh hoạt, thuần thục, nhuần nhuyễn; đúng lúc, đúng nơi, đúng phạm vi, đối tượng, không gian, thời gian phù hợp, tránh phô trương, hình thức,… Kết hợp khôn khéo giữa hai yếu tố này quyết định rất lớn đến sự thành hay bại của mục tiêu lãnh đạo
Khoa học + Nghệ thuật → Lãnh đạo
Những nội dung, nhưng vấn đề nêu ra và phân tích trên đây có thể mới là một khía cạnh nhỏ, một cách đặt vấn đề mang tính chủ quan. Tuy nhiên, chắc chắn là những nội dung, những vấn đề không thể thiếu, không thể không quan tâm đối với mỗi người lao động trong việc nhìn nhận, nhận thức những quan điểm mới, những quan điểm mang tính mở, tính thời đại, được xây dựng trên nền tảng của những cái mới, cái đẹp, cái hiệu quả, thân thiện,… và đó cũng chính là một trong những vấn đề mà người lãnh đạo trong thời kỳ hội nhập cần phải hướng đến. Mọi người đều có thể trở thành người lãnh đạo thông thái, thân thiện vì đơn giản là: Khi bạn làm cho người khác nghe theo bạn, tin theo bạn; làm theo bạn; cùng bạn xây dựng nên thành công, xây dựng nên những cái mới, cái đẹp vun đắp cho đất nước phát triển, xã hội và con người ngày càng tốt đẹp hơn, đất nước ngày càng phát triển hơn,… Thì khi đó, bạn đang trở thành người lãnh đạo hay nói cách khác là Chủ thể lãnh đạo, những người bạn thông thái của bạn trở thành người bị lãnh đạo hay nói cách khác là Đối tượng lãnh đạo. Lãnh đạo hoàn toàn có thể đến với bạn bất cứ lúc nào, miễn là lúc đó, mọi người đang đặt niềm tin ở bạn.
Thành Châu