Tìm hiểu vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xhcn ở việt nam
Vai trò của Nhà nước trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được Đảng ta khẳng định gồm các chức năng:
Quản lý và định hướng bảo đảm cho thị trường phát triển; bảo đảm phân phối lại thu nhập quốc dân; ban hành cơ chế, chính sách về phân bổ nguồn lực, phân phối và phân phối lại theo hướng bảo đảm tăng trưởng kinh tế gắn với tiến bộ và công bằng xã hội; bảo vệ môi trường. Với chức năng đó, vai trò của Nhà nước thể hiện qua hai tư cách:
Về vai trò chủ thể quản lý: Nhà nước quản lý, điều tiết nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thông qua pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách, các công cụ kinh tế và lực lượng vật chất cần thiết, phù hợp với nguyên tắc của kinh tế thị trường, tương thích với thông lệ quốc tế; xây dựng, hoàn thiện thể chế, tạo dựng môi trường kinh tế vĩ mô, môi trường kinh doanh, xây dựng kết cấu hạ tầng và bảo đảm an sinh xã hội, hạn chế những tác động tiêu cực của kinh tế thị trường.
Về vai trò chủ thể kinh tế: Nhà nước đóng vai trò là một chủ thể kinh tế trên thị trường thông qua việc đầu tư vốn và quản lý tài sản công; tách quyền của chủ sở hữu và quyền quản lý, sử dụng; tăng cường kỹ luật, kỷ cương trong việc chấp hành các chính sách, chế độ, sử dụng các chương trình đầu tư tín dụng để tạo điều kiện và hướng dẫn sự phát triển của các ngành, lĩnh vực, các địa phương và các thành phần kinh tế; có sự phân cấp ngày càng nhiều hơn để phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương và cơ sở; xóa bỏ các hình thức bao cấp; hạn chế, kiểm soát và xóa bỏ độc quyền kinh doanh; “Vai trò của Nhà nước được điều chỉnh phù hợp với cơ chế thị trường, ngày càng phát huy dân chủ trong đời sống kinh tế - xã hội. Việc huy động và phân bổ các nguồn lực gắn với chiến lược quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã từng bước phù hợp với cơ chế thị trường; hạn chế và kiểm soát độc quyền kinh doanh”[1]; “Tách bạch nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và nhiệm vụ chính trị công ích. Tách chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước và chức năng quản lý nhà nước, chức năng quản trị doanh nghiệp của doanh nghiệp nhà nước; sớm xóa bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước của các bộ, Ủy ban nhân dân đối với vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp. Thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước”[2].
“Nhà nước bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, an toàn, thuận lợi; kiểm soát tốt độc quyền kinh doanh, thực thi hiệu lực, hiệu quả các chính sách cạnh tranh lành mạnh. Đặt doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường; phân định rõ nhiệm vụ sản xuất kinh doanh theo cơ chế thị trường và thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước giao. Tập trung phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, nguồn nhân lực và tiềm lực khoa học công nghệ” [3].
- Vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam
Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước thể hiện trên một số nội dung cốt lõi, chủ yếu sau:
Một là: Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo không chỉ biểu hiện ở số lượng doanh nghiệp nhà nước, tỷ trọng đóng góp giá trị sản lượng trong GDP, mà trước hết là ở trình độ quản lý, điều tiết năng lực cạnh tranh và hiệu quả phát triển, chất lượng sản phẩm. Đầu tư vào những dự án lớn, đòi hỏi vốn lớn mà thời gian thu hồi vốn lại chậm; các chủ thể kinh tế nhà nước đóng đóng góp vai trò bảo đảm cho Nhà nước điều tiết các chính sách kinh tế vĩ mô, cán cân thương mại, vấn đề lạm phát, lao động, thất nghiệp.
Hai là: Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế nhà nước phải là trụ cột để đẩy lùi các nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa, tụt hậu xa hơn về kinh tế, đồng thời phải là cơ sở vững chắc để khắc phục những hạn chế, khuyết tật của cơ chế thị trường. Nhà nước trực tiếp nắm giữ một số lĩnh vực kinh tế trọng yếu liên quan đến quốc phòng an ninh; khai thác, sử dụng tài nguyên quốc gia; giải quyết các vấn đề có tính chất toàn cầu như biến đổi khí hậu và vấn đề môi trường; tội phạm và an ninh quốc gia, khu vực và thế giới.
Ba là: Kinh tế nhà nước phải đi đầu trong việc kết hợp với quốc phòng, an ninh để bảo đảm hài hòa theo quan điểm phát triển và ổn định của Đảng trong mọi hoàn cảnh, điều kiện. Đây là vai trò độc quyền, chủ đạo, kéo theo sự tham gia của các thành phần kinh tế khác.
“Nguyên tắc thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại: (1) Chỉ thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu mà Nhà nước cần phải độc quyền liên quan đến quốc phòng, an ninh, đảm bảo lợi ích quốc gia hoặc các thành phần kinh tế khác không có nhu cầu và khả năng tham gia; (2) Cơ quan nhà nước có quyền thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại thông qua hình thức trực tiếp thực hiện hoặc chỉ định cho tổ chức, cá nhân thực hiện. Việc chỉ định phải do Thủ trưởng cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định bằng văn bản; (3) Hoạt động thương mại độc quyền nhà nước phải được thực hiện dưới sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật; (4) Bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương các cấp không được quy định hoạt động, hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện hoạt động thương mại độc quyền nhà nước. Đối với hàng hóa, dịch vụ, địa bàn phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an”. “Trách nhiệm của các chủ thể trực tiếp thực hiện độc quyền nhà nước. Các chủ thể trực tiếp thực hiện độc quyền nhà nước có các trách nhiệm sau đây: (1) Các tổ chức, cá nhân, các cơ quan nhà nước hoạt động thương mại trong lĩnh vực độc quyền nhà nước chịu các biện pháp kiểm soát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật cạnh tranh, pháp luật về giá và quy định của pháp luật có liên quan; (2) Các cơ quan nhà nước thực hiện hoạt động dự trữ quốc gia phải tuân thủ theo quy định của pháp luật dự trữ quốc gia; (3) Việc sử dụng vốn nhà nước của các doanh nghiệp nhà nước vào kinh doanh các hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục phải tuân thủ theo pháp luật về quản lý và sử dụng vốn nhà nước”. “Trách nhiệm của các cơ quan nhà nước quản lý các chủ thể trực tiếp thực hiện hoạt động thương mại độc quyền nhà nước. Các cơ quan nhà nước quản lý các chủ thể trực tiếp thực hiện hoạt động thương mại độc quyền nhà nước có trách nhiệm kiểm tra, giám sát hoạt động thương mại độc quyền nhà nước của các chủ thể này như sau: (1) Thực hiện các trách nhiệm của chủ sở hữu vốn nhà nước được giao theo quy định của Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước vào sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, Luật doanh nghiệp; (2) Thực hiện chế độ giám sát, kiểm tra, báo cáo việc thực hiện chiến lược, kế hoạch; mục tiêu, nhiệm vụ được giao của các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật; (3) Tuân thủ các quy định tại khoản 2, 3, 4 Điều 6 và Điều 15 Luật cạnh tranh; (4) Các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm rà soát Danh mục và gửi đề xuất sửa đổi, bổ sung Danh mục tới Bộ Công Thương để tổng hợp, báo cáo trình Chính phủ” [4].
Bốn là: Kinh tế nhà nước là yếu tố bảo đảm cho nền kinh tế phát triển bền vững, cạnh tranh lành mạnh, có trách nhiệm điều phối hoạt động của các thành phần kinh tế khác theo đường lối phát triển kinh tế - xã hội của Đảng. Đặc biệt trong các lĩnh vực chủ chốt, vĩ mô của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, như xây dựng chiến lược phát triển kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng, dịch vụ công, tạo điều kiện kích thích các thành phần kinh tế khác cùng phát triển.
Ở nước ta hiện nay, việc xác lập vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước là sự khác biệt có tính chất bản chất giữa kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa. Tính định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường ở nước ta đã quyết định kinh tế nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo trong cơ cấu kinh tế nhiều thành phần. Do đó, kinh tế nhà nước cần và có thể giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân vì những lý do sau:
Trong cơ cấu kinh tế nhiều thành phần, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo là đòi hỏi cấp thiết của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, là chế độ sở hữu phù hợp với xu hướng xã hội hóa của lực lượng sản xuất, bảo đảm cho nền kinh tế tránh được nguy cơ chệch hướng.
Kinh tế nhà nước là lực lượng bảo đảm cho sự phát triển ổn định của nền kinh tế; vừa là công cụ kinh tế quan trọng nhất để củng cố và xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa ngày càng vững mạnh, từng bước hình thành trật tự kinh tế, văn hóa xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Mục tiêu vận động của nền kinh tế nước ta là đi lên chủ nghĩa xã hội, vì vậy, vai trò của các thành phần kinh tế trong tiến trình vận động là không thể ngang bằng nhau. Kinh tế nhà nước nắm giữ những vị trí then chốt, yết hầu, xương sống của nền kinh tế, do đó nó có khả năng, có điều kiện chi phối hoạt động của các thành phần kinh tế khác, quyết định phương hướng vận động phát triển của toàn bộ nền kinh tế.
Kinh tế nhà nước có thể tác động tới các thành phần kinh tế khác không chỉ bằng các công cụ và đòn bẩy kinh tế, mà còn bằng con đường gián tiếp, thông qua những thiết chế và hoạt động của kiến trúc thượng tầng xã hội chủ nghĩa.
Về mặt thực tiễn, quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta những năm qua đã khẳng định rõ Đảng và Nhà nước ta thực hiện nhất quán chủ trương phát triển nền kinh tế nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nhờ đó huy động được nhiều nguồn lực của mọi thành phần kinh tế vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế, làm cho tỷ lệ tiết kiệm và đầu tư trên GDP đều tăng nhanh. Nền kinh tế nước ta là nền kinh tế nhiều thành phần, các thành phần kinh tế không tồn tại biệt lập, mỗi thành phần kinh tế là một bộ phận cấu thành của nền kinh tế quốc dân thống nhất, nhưng lại dựa trên một hình thức sở hữu nhất định về tư liệu sản xuất. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bình đẳng trước pháp luật, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh, cùng phát triển lâu dài. Trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết nền kinh tế, tạo môi trường và điều kiện thúc đẩy các thành phần kinh tế cùng phát triển; phát triển kinh tế tư nhân là vấn đề chiến lược lâu dài trong phát triển nền kinh tế nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa; nguồn lực của các nhà đầu tư nước ngoài được thu hút mạnh; kinh tế cổ phần ngày càng phát triển, trở thành hình thức tổ chức kinh tế phổ biến, thúc đẩy xã hội hóa sản xuất và đầu tư. Trong những năm qua, mặc dù số lượng doanh nghiệp nhà nước có giảm đi, nhưng vẫn góp phần quan trọng để kinh tế nhà nước thực hiện vai trò chủ đạo, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và nhu cầu quốc phòng, an ninh.
Thành Châu
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr.98.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr.106.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr.274.
[4] Trích: Nghị định số 94/2017/NĐ-CP, ngày 10/8/2017 của Chính phủ quy định về hành hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại.