Từ cuộc vận động “Mùa đông binh sĩ” đến phong trào “Đón thương binh về làng”
Từ cuộc vận động “Mùa đông binh sĩ” đến phong trào “đón thương binh về làng” trong cuộc kháng chiến chống Pháp chính là sự cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm giúp đỡ thương binh, tri ân, tôn vinh liệt sỹ, chăm lo gia đình liệt sỹ.
Để từ đó, các chính sách ưu đãi đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công đã không ngừng phát triển, đổi mới và hoàn thiện, trở thành một hệ thống chính sách ưu đãi lớn của Đảng, Nhà nước ta hiện nay.
Tri ân - truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam (Ảnh: Internet)
Từ cuộc vận động “Mùa đông binh sĩ”
Mùa đông năm 1946, khi những đợt gió lạnh tràn vào miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có sáng kiến phát động phong trào may áo rét tặng chiến sĩ, thương binh, bệnh binh. Sau khi Chính phủ kêu gọi nhân dân hưởng ứng phong trào “Mùa đông binh sĩ”, Ủy ban Vận động “Mùa đông binh sĩ” được thành lập ở Trung ương và các tỉnh. Nhằm đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động, ngày 7-9- 1947, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Về việc vận động “Mùa đông binh sĩ”. Chỉ thị nêu rõ: “1. Tích cực tuyên truyền vận động để cho có kết quả mỹ mãn; 2. Tránh địa phương chủ nghĩa. Các nơi, quyên được bao nhiêu, phải báo cáo cho Trung ương rõ để có thể trích chỗ thừa cho chỗ thiếu; 3. Tránh bắt dân chúng ủng hộ một cách bắt buộc, làm cho thấy việc giúp đỡ binh sỹ là một cái ách cho họ. Chúng ta đã quyên của dân nhiều rồi, lần này phải để tùy nhiệt tâm của dân. Trong những lần tổ chức quyên trước, chúng ta thường mắc mấy khuyết điểm trên. Lần này các đồng chí chú ý tránh”[1].
Theo đó, cuộc vận động được quán triệt rộng khắp, trên tinh thần tự nguyện và thu được nhiều kết quả. Tiêu biểu như Thanh niên cứu quốc thôn Cự Phú (Phương Để, Trực Ninh) ủng hộ 30 áo trấn thủ; Liên hiệp Công đoàn Nam Định ủng hộ 50 áo sợi dệt, 9 áo cộc nâu và 3.508 đồng. Các vị thân hào, thân sỹ hai huyện Nghĩa Hưng, Vụ Bản ủng hộ 900 đồng. Tại Hà Tây, công nhân huyện Phú Xuyên ủng hộ 3.176 đồng, công nhân thợ may Hoàng Xá (ứng Hòa) ủng hộ 5 áo sợi, công nhân thợ may Tảo Khê (ứng Hòa) ủng hộ 6 áo trân thủ, công nhân thợ dệt Hòa Xá (ửng Hòa) ủng hộ 109 chiếc khăn mặt. Nhân dân huyện Thường Tín (Hà Tây) cũng đóng góp 732 áo trấn thủ và 83 chăn kháng chiến[2]. Bên cạnh đó, Hội Phật giáo cứu quốc cùng nhiệt tình hướng ứng phong trào gây quỹ “mùa Đông binh sĩ”, điển hình như: Hội Phật giáo cứu quốc huyện Mỹ Đức ( tỉnh Hà Đông); Hội Phật giáo cứu quốc huyện Yên Khánh (tỉnh Ninh Bình); Hội Phật giáo cứu quốc huyện Thanh Liêm, huyện Kim Bảng, huyện Bình Lục, huyện Duy Tiên, huyện Lý Nhân (tỉnh Hà Nam)…
Trong quá trình tổ chức thực hiện Cuộc vận động, thể chế hóa chủ trương của Đảng, Chính phủ ban hành nhiều sắc lệnh, chính sách đối với thương binh, liệt sỹ, tiêu biểu như: Ngày 16-2-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 20/SL đặt ra chế độ “Hưu bổng thương tật” và “Tiền tuất cho thân nhân tử sĩ’, đây là văn bản pháp quy đầu tiên về công tác thương binh, liệt sỹ đối với công cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc. Cùng theo sắc lệnh này, thương binh được cấp Sổ hưu bổng thương tật.
Ngày 26-2-1947, Bộ Quốc phòng ban hành Nghị định số 240/NĐ thành lập Phòng Thương binh thuộc Chính trị cục, Quân đội quốc gia Việt Nam để giúp kế hoạch và đôn đốc, kiểm soát Ban Thương binh các khu, đây là cơ quan chỉ đạo công tác thương binh đầu tiên của cả nước.
Ngày 12-10-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 242/SL đặt ra “Hưu bổng thương tật” và “Tiền tuất cho thân nhân tử sĩ” bổ khuyết sắc lệnh số 20/SL. Ngày 17-11- 1954, Liên bộ Thương binh - Y tế - Quốc phòng Tài chính ra Nghị định số 19/NĐ về “Điều lệ ưu đãi thương binh, dân quân, du kích, thanh niên xung phong bị thương tật”,...
Từ những năm 1950, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp diễn ra ngày càng ác liệt, sự hy sinh xương máu của các chiến sỹ trên các chiến trường ngày càng nhiều. Ngày 30-01-1950, Trung ương Đảng điện gửi các liên khu “Về việc tổ chức Tết cho thương binh, bộ đội”. Điện văn nêu rõ: “Tổ chức Tết cho thương binh và bộ đội... Tổ chức các đoàn đại biểu đến trực tiếp thăm thương binh, bộ đội, gia đình bộ đội và thương binh, tử sỹ”[3]. Đây là việc làm hết sức ý nghĩa, thể hiện sự biết ơn, chăm sóc kịp thời nhằm xoa dịu nồi đau, sự mất mát cho những thương binh, đồng thời làm vơi bớt nỗi nhớ quê cho những chiến sỹ đang chiến đấu tại khắp các chiến trường khi không thể ăn Tết cùng gia đình.
Đến phong trào “Đón thương binh về làng”
Từ năm 1951, quân và dân ta đẩy mạnh chống địch càn quét và mở nhiều chiến dịch lớn nhằm tạo thế và lực để tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn. Theo đó, số lượng thương binh ngày càng nhiều, phần lớn được đưa về tuyến sau chăm sóc rồi chuyên về quê hương. Để thương binh được ổn định về đời sống vật chất, vui vẻ về tinh thần và tham gia đóng góp cho xã hội, tháng 7-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động phong trào “Đón thương binh về làng” và đề nghị mỗi xã trích một phần ruộng công, tổ chức cày cấy, chăm nom gặt hái, thu hoạch thóc lúa để nuôi thương binh. Trong “Thư gửi cụ Bộ trưởng Bộ Thương binh, cựu binh” (7-1951), Chủ tịch Hồ Chí Minh có những hướng dẫn rất cụ thể. Thực hiện chủ trương trên, phong trào “Đón thương binh về làng” được triển khai ở nhiều nơi, điển hình ở Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ…
Để thực hiện tốt hơn công tác đón thương binh về làng, ngày 24-4-1953, Ban Bí thư ra Thông tri “về việc vận động nhân dân đón thương binh, bệnh binh về xã”. Thông tri nhấn mạnh: “Cuộc kháng chiến của ta ngày càng phát triển. Số thương binh, bệnh binh ngày càng tăng, do đó cần đẩy mạnh hơn việc vận động nhân dân đón thương binh, bệnh binh về xã... Các cấp bộ đảng liên lạc với các ủy ban Liên Việt các địa phương, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các sở, các ty thương binh cựu binh để thảo luận chi tiêt bản kế hoạch đó, phối hợp với tình hình địa phương mà thi hành”[4]. Nhờ đó, hoạt động đón thương binh về làng được các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chú trọng, quan tâm chỉ đạo thực hiện. Thương binh được chia đất, chia trâu để làm ruộng và canh tác. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “... nhiều nơi đã hăng hái đón thương binh, bệnh binh về xã, giúp đỡ anh em làm ăn và đã chiếu cố chu đáo các gia đình liệt sỹ. Thế là rất tốt. Đó là một cách để tỏ lòng nhân dân biết ơn những chiến sỹ đã có công giữ nước, giữ làng”[5].
Cùng với việc chỉ đạo công tác đón thương binh về làng, ngày 31-8-1954, Ban Bí thư ra Chỉ thị “Về việc đón tiếp bộ đội, thương binh, một số cán bộ và đồng bào miền Nam ra Bắc”. Thực hiện chú trương trên, các địa phương được dự định và ấn định số lượng đón tiếp bộ đội, thương binh, cán bộ và đồng bào miền Nam ra Bắc đều thành lập ban phụ trách để thực hiện nhiệm vụ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, việc đón tiếp bộ đội, thương binh, một số cán bộ và đồng bào miền Nam ra Bắc được triển khai, thực hiện hiệu quả.
Trong “Bức thư của anh em thương bệnh binh miền Nam ra tập kết”, đăng trên báo Cứu quốc, số 2682, ngày 12- 12-1954, khẳng định ý nghĩa của việc đón tiếp, chăm sóc, nuôi dưỡng thương binh: “Lần này đi tập kết, chúng tôi càng thấy chính sách của Hồ Chủ tịch, Đảng và Chính phủ đối với thương binh, càng thấy tình thương của đồng bào đối với chúng tôi thể hiện trong việc săn sóc về vật chất và tinh thần... Tình thương đó đã an ủi chúng tôi, làm cho chúng tôi phấn khởi và càng thấm thía mối tình Nam Bắc thiêng liêng bền chặt...”[6]. Có thể thấy, đây là những việc làm kịp thời của Đảng, Nhà nước đối với thương binh từ miền Nam tập kết ra Bắc, tăng thêm niềm tin và động lực để họ tiếp tục cống hiến cho đất nước.
Cùng với quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chăm lo mọi mặt đối với thương binh, Đảng, Chính phủ có chủ trương đúng đắn, những chính sách cụ thể, thiết thực để tôn vinh, tri ân đối với liệt sỹ, gia đình liệt sỹ, những người đã hi sinh vì sự nghiệp kháng chiến như chế độ ‘‘Hưu bổng thương tật”, “Tiền tuất cho thân nhân tử sĩ”; Chỉ thị “về việc tu sửa, thăm viếng mộ phần các liệt sỹ quân đội nhân dân đã hy sinh trong thời kỳ kháng chiến”…
Có thể thấy, từ cuộc vận động “Mùa đông binh sĩ” đến phong trào “Đón thương binh về làng” trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thể hiện rõ chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với thương binh, liệt sỹ, điều đó thể hiện tính ưu việt và bản chất tốt đẹp của Nhà nước Việt Nam, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Tiếp nối truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, 76 năm qua Đảng, Nhà nước ta đã ban hành và thực hiện nhiều chủ trương, chính sách lớn đối với thương binh, liệt sỹ. Các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc người có công đã thật sự trở thành một phong trào rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội, các cấp, các ngành, các địa phương trong cả nước với nhiều hình thức tổ chức, nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, hết sức phong phú, sáng tạo, là nét đẹp văn hoá trong đời sống xã hội. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền truyền thống hiếu nghĩa, bác ái và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” trong các tầng lớp nhân dân, nhất là trong thế hệ trẻ, làm cho mọi người nhận thức sâu sắc và trân trọng tri ân công lao to lớn của các anh hùng, liệt sỹ và những người có công với đất nước.
Cẩm Trang
[1] ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. CTQG, H.2000, t.8, tr.287-288.
[2] “Mùa đông kháng chiến”, Báo Cứu Quốc, số 779, ngày 15-12-1947.
[3] ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. CTQG, H.2001, t.11, tr.220.
[4] ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. CTQG, H.2001, t.14, tr.197-198.
[5] Thư Hồ Chủ tịch nhân dịp ngày thương binh 27-7, Báo Nhân dân, số 209, ngày 28-7-1954.
[6] Bức thư của anh em thương bệnh binh miền Nam ra tập kết, Báo Cứu quốc, số 2682, ngày 12- 12-1954.